Khung cảnh hỗn loạn nơi yên nghỉ của Diogo Jota: Ronaldo đã đúng!

Thiên Phú
Chủ nhật, 06/07/2025 12:56 PM (GMT+7)
A A+

Sau tang lễ của Diogo Jota, tưởng rằng cuối cùng anh đã được an nghỉ, người nhà cũng đã nguôi ngoai phần nào nỗi đau. Thế nhưng hiện tại, phần mộ của anh đang chìm ngập trong hỗn loạn bởi những đám đông vô ý thức.

Trong những ngày qua, hàng trăm người đã đổ về nghĩa trang Gondomar, nơi chôn cất Jota và em trai, nạn nhân của vụ tai nạn xe kinh hoàng. Ban đầu, đó là những vòng hoa, là tiếng nấc, là sự tiếc thương lặng lẽ. Nhưng rồi, không khí ấy bị thay thế bằng tiếng chuông điện thoại, ánh đèn flash và từng dòng video phát trực tiếp lên TikTok, Instagram. Hàng dài người xếp hàng… để chụp ảnh với nơi an nghỉ cuối cùng của Jota.

Thật khó tin nếu điều đó không được báo chí Bồ Đào Nha và Anh xác nhận. Cảnh sát địa phương đã phải can thiệp để giải tán đám đông, nhưng vài phút sau, mọi người lại kéo về. Không phải để thắp nén hương tưởng nhớ, mà là để… “check-in”. 

Đây không còn là sự tiếc thương nữa. Nó là biểu hiện rõ nhất của một số người đang bị chi phối bởi thuật toán và sự công nhận ảo. Sự ra đi của Jota lẽ ra phải gợi ra sự lặng thinh, sự ngẫm nghĩ, chứ không phải là sự tranh thủ "câu like" bằng một clip buồn.

Người dân bất chấp ở lại 'câu like' dù cho cảnh sát địa phương đã cố gắng can thiệp.
Người dân bất chấp ở lại 'câu like' dù cho cảnh sát địa phương đã cố gắng can thiệp.

Điều này khiến chúng ta nhớ lại quyết định của Ronaldo. Theo một số nguồn báo chí, tiền đạo thuộc biên chế Al Nassr đã không có mặt tại lễ tiễn đưa Diogo Jota, và giờ ta có thể thấy quyết định này là chính xác. Ronaldo hiểu quá rõ sức ảnh hưởng của mình. Sự xuất hiện của anh có thể khiến mọi thứ mất kiểm soát. Trong một thị trấn nhỏ như Gondomar, một Ronaldo bước xuống xe sẽ đồng nghĩa với hàng trăm chiếc điện thoại giơ lên, đám đông chen lấn, bảo vệ không thể làm gì và... tang lễ biến thành một sự kiện giải trí.

Chị gái của anh, Katia Aveiro, cũng đã lên tiếng: "Chúng tôi từng trải qua cảnh tượng đau đớn ở đám tang của bố tôi, nơi mọi thứ bị truyền thông vây kín. Ronaldo không muốn điều đó lặp lại ở đây." Và anh đã chọn cách lặng lẽ: gửi lời chia buồn riêng tới gia đình, tưởng niệm trong âm thầm.

Có lẽ Ronaldo đã đúng khi không đến dự lễ viếng của người đồng đội xấu số.
Có lẽ Ronaldo đã đúng khi không đến dự lễ viếng của người đồng đội xấu số.

Đó không phải là trốn tránh. Đó là một cách thể hiện sự tôn trọng sâu sắc, điều mà đám đông xô bồ kia đã quên mất khi giơ máy lên trước bia mộ Jota.

Một tấm ảnh bên bia mộ, một story kéo theo vài nghìn view… liệu có đáng để đánh đổi sự bình yên của một con người vừa nằm xuống? Bóng đá có thể là đam mê chung, nhưng lòng thương xót phải đến từ sự văn minh và trật tự. Và khi chính nơi yên nghỉ cuối cùng cũng bị kéo vào guồng xoáy lan truyền, có lẽ chúng ta phải tự hỏi: liệu những người kia có đang đi quá xa?

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm