Trong bối cảnh thị trường ô tô ngày càng cạnh tranh, đặc biệt ở phân khúc SUV đô thị, nhiều hãng xe Trung Quốc đã chọn hướng đi thực dụng: tung ra phiên bản “rút gọn” với mức giá dễ tiếp cận hơn.
Nội dung chính
Tuy nhiên, khi người dùng Việt ngày càng khắt khe và cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi quyết định mua xe, liệu chiến lược này có còn hiệu quả?
Phiên bản rút gọn: Giá hấp dẫn nhưng đổi lại là những cắt giảm đáng kể
Tháng 7/2025, Lynk & Co – thương hiệu ô tô Trung Quốc do Greenlynk Automotives phân phối tại Việt Nam chính thức ra mắt phiên bản 06 Core Plus với giá bán 679 triệu đồng.

Mức giá này thấp hơn 50 triệu đồng so với bản cao cấp 06 Hyper Pro.Đổi lại, người dùng phải chấp nhận một loạt trang bị bị lược bỏ.
Trong danh sách bị cắt giảm có nhiều tính năng an toàn chủ động như kiểm soát hành trình thích ứng, phanh khẩn cấp tự động, camera 360 độ, cảnh báo lệch làn, cùng nhiều tiện ích nội thất đáng chú ý như điều hòa tự động 2 vùng, lọc không khí hay kính một chạm cho tất cả vị trí.

Đây không phải là lần đầu một thương hiệu xe Trung Quốc tại Việt Nam áp dụng chiến lược “cắt option để hạ giá”.
Trước đó, Omoda từng tung ra bản C5 Luxury – một phiên bản giá rẻ hơn nhưng cũng đi kèm với nhiều cắt giảm đáng kể.
Giá rẻ chưa chắc đã là lựa chọn thông minh
Việc giảm giá bằng cách giản lược trang bị là cách tiếp cận hợp lý trong bối cảnh người tiêu dùng nhạy cảm về giá.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ô tô, với phân khúc SUV đô thị – nơi khách hàng không chỉ cần “rẻ” mà còn kỳ vọng vào trải nghiệm, thương hiệu và sự tin cậy, thì chiến lược này khó mang lại lợi thế rõ rệt.
Lynk & Co 06 Core Plus dù rẻ hơn bản cao cấp nhưng vẫn bị đánh giá là khó tạo sức bật khi đặt cạnh những cái tên đã định vị vững chắc như Mitsubishi Xforce, Toyota Yaris Cross hay Hyundai Creta.

Chưa kể, Skoda Kushaq – mẫu xe châu Âu mới gia nhập thị trường còn có giá khởi điểm thấp hơn, chỉ từ 599 triệu đồng đi kèm hệ thống hậu mãi và thương hiệu được đánh giá cao hơn.
Lược trang bị: Giải pháp tình thế hay đang tự giới hạn?
Chiến lược “cắt để sống” có thể mang lại hiệu quả tức thì về mặt doanh số, đặc biệt với nhóm khách hàng thực dụng.
Tuy nhiên, nếu một mẫu xe đánh mất quá nhiều giá trị cốt lõi, đặc biệt là các trang bị an toàn thì rủi ro người tiêu dùng quay lưng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Với xe Trung Quốc, rào cản lớn nhất tại Việt Nam không chỉ là giá bán mà còn đến từ thương hiệu chưa đủ mạnh và tâm lý dè dặt của người tiêu dùng.
Việc tung ra bản rút gọn nhưng vẫn giữ mức giá cao hơn mặt bằng chung có thể khiến khách hàng càng thêm hoài nghi về tính hợp lý và giá trị thật sự của sản phẩm.
Thống kê từ thị trường cho thấy, Lynk & Co chỉ bán được dưới 300 xe trong cả năm 2024.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, lượng xe đăng ký mới cũng chưa vượt quá 200 chiếc – trung bình mỗi mẫu chưa đến 40 xe.
Đây là con số quá khiêm tốn so với kỳ vọng của một thương hiệu mới muốn xây dựng chỗ đứng tại Việt Nam.
Để cạnh tranh lâu dài, cần hơn cả giá rẻ
Trong một thị trường đang ngày càng phân hóa và người mua ngày càng hiểu biết, giá rẻ không còn là “vũ khí duy nhất”.

Người dùng Việt không chỉ quan tâm đến giá, mà còn quan tâm đến giá trị sử dụng lâu dài, dịch vụ hậu mãi, độ tin cậy và khả năng giữ giá.
Vì vậy, nếu chỉ dựa vào chiến lược “giảm giá bằng cách cắt option”, các thương hiệu xe Trung Quốc khó có thể tạo được chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam.
Muốn phát triển bền vững, họ cần có chiến lược tổng thể hơn: xây dựng thương hiệu, mở rộng hệ thống hậu mãi và định vị rõ ràng từng dòng xe thay vì chỉ chơi bài giá rẻ.
Chiến lược “cắt option để giảm giá” là giải pháp không mới và từng phát huy tác dụng ở một số thị trường.

Tuy nhiên, với người tiêu dùng Việt ngày càng kỹ tính và có nhiều lựa chọn, mức giá thấp không còn là yếu tố quyết định.
Để thực sự tạo được niềm tin và sức bật trên thị trường, các hãng xe Trung Quốc cần làm nhiều hơn là đơn thuần hạ giá.