Thị trường Trung Quốc đang trải qua một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ khi xe hybrid và xe điện cùng lúc vươn lên chiếm lĩnh thị phần.
Không giống nhiều quốc gia khác, Trung Quốc xếp cả hai loại xe này vào nhóm "xe năng lượng mới" (NEV) tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất trong việc tối ưu phạm vi di chuyển và khả năng vận hành linh hoạt.
Zeekr gây chú ý với mẫu PHEV chạy điện 400 km
Tâm điểm tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải năm nay là Zeekr 9X – mẫu SUV hybrid cắm sạc (PHEV) đến từ thương hiệu con của Geely.
Xe có thể di chuyển hoàn toàn bằng điện trên quãng đường lên đến 400 km trước khi động cơ xăng kích hoạt, một con số hiếm thấy ở các mẫu xe hybrid hiện nay.

Thông số ấn tượng này thậm chí vượt qua nhiều dòng PHEV phổ biến tại Mỹ và châu Âu, đồng thời tiệm cận khả năng hoạt động của các mẫu EV cao cấp.
Song song đó, công nghệ xe điện phạm vi mở rộng (EREV) cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Với cấu trúc sử dụng động cơ đốt trong nhỏ hoạt động như máy phát điện, EREV giúp xe mở rộng quãng đường di chuyển mà không phụ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng sạc.
Tốc độ tăng trưởng của hybrid vượt kỳ vọng
Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CPCA), doanh số xe hybrid trong năm 2024 đã bùng nổ.
Trong đó, dòng EREV đạt 1,2 triệu xe, tăng 79% so với năm trước, còn PHEV đạt 3,4 triệu xe, tăng 76%.Trong khi đó, xe điện hoàn toàn (EV) đạt doanh số 6,3 triệu chiếc, tăng 23%.

Dù EV vẫn là xu hướng chủ đạo nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh hơn của các mẫu hybrid đang làm thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm của nhiều hãng xe toàn cầu.
Volkswagen đã công bố kế hoạch phát triển nền tảng truyền động mới dành riêng cho thị trường Trung Quốc – nơi các thương hiệu nội địa đang vươn lên mạnh mẽ và đẩy các hãng ngoại vào thế bị động.
Các thương hiệu nước ngoài buộc phải thay đổi chiến lược
Không nằm ngoài cuộc đua, Mercedes-Benz đã chính thức công nhận vai trò của hybrid tại thị trường Trung Quốc.
CEO Ola Kaellenius cho biết đây là công nghệ phù hợp với bối cảnh hiện tại và sẽ tiếp tục tồn tại song song cùng xe điện trong thời gian dài.

Ngược lại, một số tên tuổi lớn như Tesla vẫn kiên định với triết lý xe điện thuần túy và loại bỏ hoàn toàn hybrid khỏi kế hoạch sản phẩm.
Tuy nhiên, các hãng xe Trung Quốc lại đi theo hướng linh hoạt hơn, với ví dụ tiêu biểu là Leapmotor – công ty cung cấp cả xe EV có tầm hoạt động 500 km và 4 mẫu EREV dành cho người tiêu dùng thích sự an toàn về phạm vi di chuyển.
Hybrid trở thành công cụ mở đường xuất khẩu
Không chỉ phục vụ thị trường nội địa, các mẫu hybrid cắm sạc đang trở thành chiến lược xuất khẩu mới của ngành công nghiệp xe Trung Quốc.
Với các rào cản thuế đang siết chặt tại châu Âu đối với xe EV, các dòng PHEV có khả năng trở thành giải pháp thay thế linh hoạt hơn.

Thương hiệu Lynk&Co (liên kết giữa Geely và Volvo) sẽ tung ra mẫu SUV hybrid với tầm chạy điện 200 km – con số cao kỷ lục tại thị trường PHEV châu Âu.
Ngoài ra, CATL – nhà cung cấp pin hàng đầu thế giới – đã phát triển dòng pin chuyên biệt cho xe hybrid phạm vi mở rộng, có khả năng hoạt động tới 400 km.
Nhiều thương hiệu lớn như Li Auto, Geely và Chery đã bắt đầu tích hợp công nghệ này.
Dự báo: Hybrid tiếp tục đà tăng trưởng trong tương lai
Theo dữ liệu từ Jato Dynamics, chỉ tính riêng năm 2024, thị trường Trung Quốc đã chứng kiến sự xuất hiện của 16 mẫu EREV và 37 mẫu PHEV mới, vượt cả số mẫu EV hoàn toàn mới (32 mẫu).
Dự báo trong ngắn hạn, hybrid sẽ chiếm khoảng 35% tổng doanh số xe mới tại Trung Quốc, so với 45% dành cho xe điện thuần túy.
Bo Yu – chuyên gia thị trường tại Jato Dynamics – đánh giá ngành ô tô Trung Quốc đang phát triển theo hướng "phi giáo điều", tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng thay vì đi theo một lộ trình cố định.
"Chúng ta rồi sẽ còn thấy nhiều hơn nữa các mẫu hybrid trong thời gian tới", bà nhấn mạnh.