4 bộ phận trên xe máy cần kiểm tra kỹ sau khi chạy qua vùng ngập nước

Trang
Thứ hai, 12/05/2025 13:00 PM (GMT+7)
A A+

Việc di chuyển bằng xe máy qua vùng ngập nước tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các bộ phận quan trọng như dầu động cơ, lọc gió, hệ thống phanh và điện. Kiểm tra và bảo dưỡng kịp thời giúp xe vận hành ổn định.

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang bước vào mùa mưa. Tại khu vực miền Nam, đặc biệt là các tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương,... những cơn mưa lớn kéo dài đã xuất hiện dày đặc, gây ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng tại nhiều tuyến phố và khu dân cư.

Tình trạng này gây không ít phiền toái, nhất là đối với những người sử dụng xe máy - phương tiện phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay.

Ghi nhận vào sáng ngày 10/5 vừa qua, trong một trận mưa lớn kéo dài tại TP.HCM, nhiều tuyến đường ở các quận trung tâm lẫn vùng ven đã nhanh chóng chìm trong biển nước.

Một số đoạn đường ngập nặng đến mức nước tràn quá nửa bánh xe máy, khiến việc di chuyển trở nên vô cùng khó khăn. Không ít trường hợp xe máy bị tắt máy giữa dòng nước, buộc người điều khiển phải dắt bộ giữa dòng xe cộ tấp nập.

xe-may-ngap-nuoc-1-1746940606156

Dưới đây là 4 bộ phận quan trọng trên xe máy rất dễ bị tổn hại khi bị ngâm nước, người dùng nên kiểm tra và bảo dưỡng kịp thời để tránh hư hỏng nặng.

Dầu động cơ

Dầu động cơ đóng vai trò then chốt trong việc bôi trơn, làm mát và duy trì sự vận hành ổn định của động cơ. Tuy nhiên, khi xe đi qua vùng nước ngập, nước có thể xâm nhập vào buồng động cơ qua các lỗ thông, lọc gió hay ống xả. 

Khi dầu bị pha lẫn nước, sẽ đổi màu sang xám đục như cà phê sữa, mất khả năng bôi trơn và làm mát, làm tăng nguy cơ mài mòn và hư hỏng chi tiết máy.

Người dùng có thể kiểm tra nhanh bằng cách rút que thăm dầu, quan sát màu và độ nhớt của dầu. Nếu phát hiện dầu đổi màu hoặc có dấu hiệu bất thường, cần thay dầu ngay lập tức, tránh để động cơ hoạt động trong tình trạng nhiễm nước.

can-dau-dong-co-3-17290633905471

Lọc gió

Lọc gió có nhiệm vụ ngăn bụi bẩn vào buồng đốt, nhưng khi bị ngấm nước, bộ phận này dễ bị tắc nghẽn do kết hợp giữa nước và bụi bẩn. Điều này không chỉ làm giảm hiệu suất động cơ mà còn tăng mức tiêu thụ nhiên liệu.

Nếu lọc gió bị ẩm nhẹ, người dùng có thể tháo ra vệ sinh. Nhưng nếu bẩn nặng, nên thay lọc gió mới để đảm bảo hoạt động ổn định.

Phanh

Hệ thống phanh đặt gần bánh xe nên gần như chắc chắn bị ảnh hưởng khi đi qua nước ngập. Bùn, cát có thể lọt vào má phanh, đĩa phanh gây tiếng kêu lạ và giảm độ bám.

Thậm chí, nước ngấm vào dầu phanh có thể làm giảm hiệu quả phanh, kéo dài quãng đường phanh, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Sau khi đi qua vùng ngập, nếu nhận thấy phanh không "ăn" hoặc có âm thanh lạ, cần kiểm tra, vệ sinh toàn bộ hệ thống phanh càng sớm càng tốt.

edit-xe-may-lau-ngay-1-173923785

Hệ thống điện

Hệ thống điện là "mạch sống" điều khiển hoạt động của xe. Nước ngập có thể làm ẩm bugi, dây điện, cầu chì, rơ-le hoặc công tắc, dẫn đến hiện tượng chết máy, khó khởi động.Nghiêm trọng hơn, hệ thống điện bị ngấm nước lâu ngày có thể chập mạch, gây cháy nổ. 

Do đó, sau khi đi qua nước ngập, người dùng nên chủ động lau khô các điểm kết nối điện, kiểm tra bugi, bình ắc quy, hộp cầu chì... Nếu thấy có dấu hiệu hư hỏng, cần thay thế kịp thời.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm