Bình cứu hoả gốc nước dễ dàng dập tắt đám cháy từ xe điện

Trang
Thứ ba, 08/07/2025 13:05 PM (GMT+7)
A A+

“Chúng tôi đã thử các bình chữa cháy trên thị trường và kết quả cho thấy, sử dụng bình gốc nước sẽ giúp chữa cháy nhẹ nhàng và nhanh chóng, không đòi hỏi quá nhiều kĩ năng và công sức”, đại diện Hiệp hội Phòng cháy Chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Việt Nam cho biết.

Nguy cơ từ cháy pin Lithium-Ion

Pin Lithium-Ion đang dần trở thành nguồn năng lượng phổ biến trên các phương tiện giao thông điện hóa, đặc biệt là xe máy điện và xe đạp điện. Tuy nhiên, loại pin này cũng mang theo nguy cơ cháy nổ cực kỳ nghiêm trọng nếu gặp sự cố. 

Kết quả thử nghiệm của Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam (VFRA) phối hợp với Bộ Công an trong tháng 11/2024 cho thấy, khi pin bị gia nhiệt bằng bếp điện để mô phỏng cháy thực tế, đám cháy nhanh chóng bùng phát mạnh.

chay-xe-dien

Nhiệt độ tại vị trí cháy dao động từ 500 - 600 độ C, các viên pin có thể phát nổ và bay xa hơn 30 mét, cao tới 15 mét với nhiệt độ lên tới 250 độ C, đủ để gây bỏng nặng hoặc cháy lan sang các vật liệu dễ bắt lửa xung quanh.

Tính chất cháy nhanh, khó kiểm soát và nguy cơ phát nổ theo dâychuyền khiến pin Lithium-Ion trở thành một trong những loại đám cháy khó dập nhất hiện nay nếu không có phương tiện phù hợp.

Bình chữa cháy bột và CO2 không còn phù hợp

Trong thử nghiệm thực tế, các chuyên gia đã sử dụng những loại bình chữa cháy thông dụng như bình bột và bình CO2 để dập tắt đám cháy pin Lithium-Ion. Tuy nhiên, kết quả cho thấy hoàn toàn không hiệu quả. 

Sau khi xịt bình, ngọn lửa vẫn bùng lên dữ dội, không hề giảm nhiệt hay bị khống chế. Ngược lại, tình trạng cháy lan còn diễn ra nhanh hơn do tác động của dòng khí CO2, trong khi bình bột không thể làm mát hay cắt nguồn phản ứng hóa học đang diễn ra trong pin.

mercedes-eqb-chay-1-170424733141

Đây là hồi chuông cảnh báo đối với phần lớn người tiêu dùng và cơ sở kinh doanh xe điện hiện nay, bởi đa phần đều trang bị loại bình chữa cháy truyền thống vốn không phù hợp cho loại sự cố đặc thù này.

Chất chữa cháy chuyên dụng cho thấy hiệu quả rõ rệt

Mặc dù các phương pháp truyền thống thất bại, một số dòng bình chữa cháy sử dụng dung dịch chuyên dụng đã cho kết quả tích cực trong việc dập cháy pin xe điện. 

Tiêu biểu là loại bình F500 EA với dung dịch gốc nước, có thể dập tắt ngọn lửa chỉ trong 2 phút và hạ nhiệt pin xuống dưới 60 độ C. Đây là kết quả rất đáng chú ý vì sau khi dập lửa, pin không còn phát nổ hay bốc khói.

Tương tự, loại ORION OR-6 với hợp chất chữa cháy đặc biệt cũng dập tắt đám cháy trong vòng 4 phút, đạt kết quả gần như tương đồng với F500 EA.

binh-chua-chay-pin-lithium-ion-o

Trong khi đó, bình Eco Fire 6 dù cũng sử dụng dung dịch gốc nước nhưng hiệu quả kém hơn, cần đến 4 phút mới dập được lửa và nhiệt độ pin vẫn còn cao, có hiện tượng khói nhẹ.

Ngoài ra, cát ẩm cũng được thử nghiệm trong một số tình huống và cho thấy có thể giúp làm chậm quá trình cháy lan.Tuy nhiên, điều kiện áp dụng khá phức tạp: phải sử dụng lượng cát lớn để phủ toàn bộ xe và đám cháy, đồng thời cần làm xe đổ xuống sàn để giảm tốc độ lan tỏa nhiệt và lửa.

Cần thay đổi tư duy và trang bị đúng phương tiện chữa cháy

Các chuyên gia PCCC nhấn mạnh rằng người dân cần nhanh chóng cập nhật kiến thức và thay đổi tư duy trong việc phòng cháy cho các thiết bị và phương tiện sử dụng pin Lithium-Ion. 

Việc tiếp tục sử dụng các loại bình chữa cháy không phù hợp như CO2 hay bột khô có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng.

Bên cạnh đó, việc đổ nước hay cát không đúng cách lên đám cháy pin còn có thể tạo ra phản ứng hóa học mạnh, làm lửa bùng phát dữ dội hơn.

Bởi vậy, nếu chưa được đào tạo bài bản hoặc không có dụng cụ chuyên dụng, người dùng nên ưu tiên sơ tán, cắt nguồn điện và gọi ngay lực lượng cứu hỏa qua số 114 thay vì cố gắng dập lửa bằng phương tiện không phù hợp.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm