Cầu đường mới khánh thành bất ngờ sụt lún, ô tô bị “nuốt chửng”: Ai chịu trách nhiệm?

Mai Hương
Thứ ba, 13/05/2025 11:40 AM (GMT+7)
A A+

Sáng 11/5, đoạn đường dẫn lên cầu Hòa Bình (tỉnh Tây Ninh) bất ngờ bị sụt lún, tạo thành hố lớn khiến một ô tô và nhiều xe máy rơi xuống.

Công trình mới sử dụng đã gặp sự cố nghiêm trọng

Vụ việc khiến 6 người bị thương phải nhập viện cấp cứu, gây hoang mang trong dư luận và đặt ra nghi vấn về chất lượng công trình vừa được đưa vào sử dụng.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân ban đầu được xác định là do “túi bùn cục bộ dưới nền đường đầu cầu bị trượt, dẫn đến sụt lún nền và mặt đường”.

Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, đánh giá toàn diện hiện trạng kỹ thuật và các yếu tố liên quan.

Cầu đường mới khánh thành bất ngờ sụt lún, ô tô bị “nuốt chửng”: Ai chịu trách nhiệm? 633974

Chuyên gia: Chất lượng không thể đánh đổi lấy tiến độ

Đánh giá về sự cố, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái (Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng tiến độ thi công là yếu tố cần thiết nhưng không thể đặt lên trên chất lượng công trình.

Ông cảnh báo rằng nếu quá chú trọng rút ngắn thời gian hoặc cắt giảm chi phí, công trình có thể không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.

“Giống như một sản phẩm giá rẻ nhưng không dùng được thì cũng vô giá trị. Công trình hạ tầng cần đủ thời gian để thi công đúng quy trình kỹ thuật”, ông nói.

PGS.TS Hồng Thái cũng ví von việc triển khai dự án như một quá trình mang thai, nếu sinh non sẽ không đảm bảo sức khỏe – tương tự, công trình thi công gấp gáp rất dễ xảy ra sự cố.

Ông đề xuất, để tránh việc “chạy đua” khánh thành, cần có kế hoạch khởi công sớm hơn thay vì rút ngắn các giai đoạn thiết yếu.

Cầu đường mới khánh thành bất ngờ sụt lún, ô tô bị “nuốt chửng”: Ai chịu trách nhiệm? 633978

Nguy cơ từ khảo sát địa chất không đầy đủ

Cũng theo hướng phân tích kỹ thuật, GS Trần Đức Nhiệm – nguyên Trưởng khoa Công trình (Đại học Giao thông Vận tải) – cho rằng chưa thể kết luận cụ thể trước khi có kết quả điều tra chính thức, tuy nhiên khả năng sai sót trong khâu khảo sát địa chất là điều cần xem xét.

“Khoảng cách giữa các mũi khoan thăm dò địa chất thường là 500m. Nếu giữa hai mũi khoan đó có túi bùn mà không phát hiện sẽ là rủi ro lớn cho nền móng.Sự cố từng xảy ra trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai là một ví dụ điển hình”, GS Nhiệm cho biết.

Ông lưu ý khả năng lỗi đến từ khâu tư vấn khảo sát chưa đạt mật độ cần thiết, đặc biệt nếu được thực hiện bởi đơn vị thiếu kinh nghiệm hoặc nguồn lực hạn chế.

Trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ bồi thường

Ở góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định đây là một sự cố nghiêm trọng, phản ánh nguy cơ từ việc không đảm bảo chất lượng trong đầu tư xây dựng.

Ông cho rằng cần làm rõ toàn bộ quy trình khảo sát, thiết kế và thi công để xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức liên quan.

“Nếu phát hiện sai phạm, các bên có thể bị xử lý hành chính, dân sự hoặc thậm chí hình sự nếu hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, đơn vị thi công hoặc chủ đầu tư có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người bị nạn, bao gồm chi phí chữa trị, tài sản bị hư hỏng và tổn thất khác theo quy định của Bộ luật Dân sự”, luật sư Cường phân tích.

Ông cũng lưu ý rằng trách nhiệm dân sự không loại trừ các trách nhiệm pháp lý khác nếu có đủ căn cứ xác định hành vi vi phạm.

Cầu đường mới khánh thành bất ngờ sụt lún, ô tô bị “nuốt chửng”: Ai chịu trách nhiệm? 633979

Đặt lại vấn đề kiểm soát chất lượng hạ tầng giao thông

Sự cố tại cầu Hòa Bình cho thấy rủi ro tiềm ẩn từ việc thiếu kiểm soát chặt chẽ các khâu trong thi công hạ tầng.

Trong bối cảnh nhiều dự án giao thông được đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu đảm bảo chất lượng công trình cần được đặt lên hàng đầu.

Trong khi chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, người dân và dư luận kỳ vọng quá trình điều tra sẽ minh bạch, xác định rõ trách nhiệm, đồng thời có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các nạn nhân bị ảnh hưởng trong vụ việc này.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm